Bao vây và tấn công Khủng hoảng Hiến pháp Nga 1993

Ngày 21 tháng 9, Yeltsin giải tán Xô viết Tối cao, trực tiếp trái ngược với các điều khoản trong Hiến pháp Nga, ví dụ:

Điều 121-6. Các quyền lực của Tổng thống Liên bang Nga không thể được sử dụng để thay đổi tổ chức nhà nước và quốc gia của Liên bang Nga, để giải tán hay cản trở tới hoạt động của bất kỳ tổ chức quyền lực nào được bầu lên. Trong trường hợp này, quyền lực của tổng thống sẽ ngừng ngay lập tức.

Khi giải tán Xô viết Tối cao, Yeltsin đã lặp lại thông báo của mình về một cuộc trưng cầu dân ý hiến pháp và cuộc bầu cử lập pháp mới vào tháng 12. Ông cũng loại bỏ hiến pháp, thay thế nó bằng một hiến pháp trao cho ông nhiều quyền lực đặc biệt. (Theo kế hoạch mới, hạ viện sẽ có 450 đại biểu và được gọi là Duma Quốc gia, tên của cơ quan lập pháp Nga trước cuộc Cách mạng Bolshevik năm 1917. Hội đồng Liên bang, sẽ gồm các đại diện từ 89 vùng của Liên bang Nga, sẽ đóng vai trò thượng viện.)

Yeltsin tuyên bố khi giải tán nghị viện Nga vào tháng 9 năm 1993 rằng ông đang dọn đường cho một sự chuyển tiếp nhanh hơn sang một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường. Với lời hứa hẹn này, ông nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cường quốc phương Tây. Yeltsin có mối quan hệ tốt với các cường quốc phương Tây, đặc biệt với Hoa Kỳ, nhưng mối quan hệ này cũng khiến ông không được lòng một số người Nga.

Tại Nga, phía Yeltsin đã kiểm soát vô tuyến, nơi các quan điểm ủng hộ nghị viện hiếm khi được phát đi trong cuộc khủng hoảng tháng 9 và tháng 10.[18]

Nghị viện bãi chức tổng thống của Yeltsin

Rutskoy gọi hành động của Yeltsin là một bước hướng tới một cuộc đảo chính. Ngày hôm sau, Toà án Hiến pháp tuyên bố Yeltsin đã vi phạm hiến pháp và sẽ bị luận tội. Trong một cuộc họp kéo dài cả đêm, với sự chủ toạ của Khasbulatov, nghị viện tuyên bố nghị định của tổng thống là không có giá trị và không có hiệu lực. Rutskoy được tuyên bố thành tổng thống và tuyên thệ nhậm chức trước bản hiến pháp. Ông bãi chức Yeltsin và các bộ trưởng chủ chốt Pavel Grachev (quốc phòng), Nikolay Golushko (an ninh), và Viktor Yerin (nội vụ). Khi ấy nước Nga có hai tổng thống và hai bộ trưởng quốc phòng, an ninh và nội vụ. Dù Gennady Zyuganov và các lãnh đạo hàng đầu khác của Đảng Cộng sản Liên bang Nga không tham gia vào các sự kiện, các thành viên cá nhân của các tổ chức cộng sản vẫn tích cực ủng hộ nghị viện.

Ngày 23 tháng 9, Đại hội Đại biểu Nhân dân được triệu tập. Dù chỉ có 638 có mặt (số đại biểu quy định là 689), Yeltsin đã bị Đại hội luận tội[19].

Ngày 24 tháng 9, một Yeltsin ngoan cường thông báo cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 6 năm 1994. Cùng ngày hôm ấy, Đại hội Đại biểu Nhân dân thông qua việc đồng thời tổ chức bầu cử nghị viện và tổng thống vào tháng 3 năm 1994.[20] Yeltsin chế giễu đề xuất về cuộc bầu cử đồng thời của nghị viện, và trả đũa ngày hôm sau bằng cách cắt điện, điện thoại và nước nóng vào toà nhà nghị viện.

Những cuộc tuần hành lớn và dựng chướng ngại quanh toà nhà nghị viện

Yeltsin cũng gây ra sự bất ổn dân sự với quyết định giải tán nghị viện một nghị viện ngày càng phản đối các cải cách kinh tế tự do mới của ông. Từ ngày 21 đến ngày 24 tháng 9, không khí chung đã thay đổi ủng hộ những người bảo vệ nghị viện. Hàng chục nghìn người Nga đã tuần hành trên các đường phố Moscow tìm cách ủng hộ lý tưởng của nghị viện.

Những người tuần hành biểu tình chống lại các điều kiện sống ngày càng xấu đi dưới thời Yeltsin. Từ năm 1989 GDP đã giảm một nửa. Tham nhũng tràn lan, tội phạm bạo lực tăng chóng mặt, các dịch vụ y tế sụp đổ, lương thực và nhiên liệu dần trở nên khan hiếm và tuổi thọ giảm sút; hơn nữa Yeltsin ngày càng bị lên án.[21] Bên ngoài Moscow, toàn thể nhân dân Nga đang bối rối và không có tổ chức. Tuy thế, một số người đã tìm cách lên tiếng về sự phản đối của mình. Những cuộc đình công định kỳ diễn ra trên khắp nước Nga.

Ngày 28 tháng 9, Moscow chứng kiến những vụ đụng độ có đổ máu đầu tiên giữa cảnh sát đặc nhiệm (OMOH) và những người tuần hành chống Yeltsin. Cũng trong ngày 28 tháng 9, Bộ Nội vụ bắt đầu phong toả toà nhà nghị viện. Rào chắn và dây thép gai được bố trí quanh toà nhà. Ngày 1 tháng 10, Bộ nội vụ ước tính 600 chiến binh với một lượng lớn vũ khí đã gia nhập nhóm đối thủ chính trị của Yeltsin trong toà nhà nghị viện. Ngày 30 tháng 9, những vật chướng ngại đầu tiên được xây dựng.

Khả năng chiếm đài truyền hình

Các lãnh đạo nghị viện vẫn không loại bỏ khả năng thoả hiệp với Yeltsin. Nhà thờ Chính thống Nga hoạt động như một trung gian cho những cuộc đàm phán không thường xuyên giữa các đại diện nghị viện và tổng thống. Các cuộc đàm phán với trung gian là các Giáo trưởng Russian Orthodox tiếp tục cho tới tận ngày 2 tháng 10. Buổi chiều ngày 3 tháng 10, cảnh sát Moscow thất bại trong việc kiểm soát một cuộc biểu tình gần Nhà Trắng, và thế bế tắc chính trị phát triển thành xung đột vũ trang.

Ngày 2 tháng 10, những người ủng hộ nghị viện xây dựng các rào chắn và phong toả giao thông trên các đường phố chính của Moscow. Buổi chiều ngày 3 tháng 10, những người có vũ trang chống đối Yeltsin đã vượt được qua hàng rào cảnh sát bao quanh Nhà Trắng, nơi nghị viện Nga đang bị phong toả[22]. Các lực lượng bán quân sự thuộc các phe nhóm ủng hộ nghị viện, cũng như một số đơn vị quân đội trong nước (các lực lượng vũ trang thường lệ của Bộ Nội vụ), ủng hộ Xô viết Tối cao.

Rutskoy hoan nghênh các đám đông từ ban công Nhà Trắng, và hối thúc họ hình thành các tiểu đoàn và đi chiếm văn phòng thị trưởng và trung tâm đài truyền hình quốc gia tại Ostankino. Khasbulatov cũng kêu gọi đánh chiếm Kremlin và bỏ tù "tên tội phạm và kẻ tiếm quyền là Yeltsin" tại Matrosskaya Tishina. Với một số người đã thiệt mạng trên các đường phố, Yeltsin tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Moscow.

Buổi tối ngày 3 tháng 10, sau khi chiếm văn phòng thị trưởng, các cuộc biểu tình ủng hộ nghị viện tiến về Ostankino, trung tâm truyền hình. Nhưng những đám đông ủng hộ nghị viện bị các đơn vị của Bộ Nội vụ chặn lại trước đài truyền hình. Một cuộc đánh nhau dữ dội diễn ra. Một phần trung tâm truyền hình bị hư hại. Các chương trình truyền hình ngừng phát sóng và 62 người chết. Trước nửa đêm, các đơn vị của Bộ Nội vụ đã đẩy lùi được những người ủng hộ nghị viện.

Khi việc phát sóng được nối lại vào cuối buổi tối, Yegor Gaidar kêu gọi trên vô tuyến về một cuộc tụ tập ủng hộ Tổng thống Yeltsin. Một sóo người với những cách giải thích và niềm tin chính trị khác nhau về những nguyên nhân của các cuộc khủng hoảng (như Mikhail Gorbachev, Grigory Yavlinsky, Alexander Yakovlev, Yuri Luzhkov, Ales Adamovich, và Bulat Okudzhava) cũng kêu gọi ủng hộ chính phủ[23]. Tương tự, Khối Liên minh Dân sự của 'đối lập xây dựng' ra một thông cáo buộc tội Xô viết Tối cao đã quá đà khi chia tách xung đột chính trị khỏi tội phạm[23]. Vài trăm người ủng hộ Yeltsin đã tụ tập cả đêm trên quảng trường trước Toà thị sảnh Thành phố Moscow chuẩn bị cho những cuộc xung đột tiếp theo, tới sáng hôm sau mùng 4 tháng 10 họ được biết quân đội đang ở cùng phe với họ.

Cuộc biểu tình ở Ostankino đã không được đưa tin bởi vì truyền hình nhà nước Nga, hãng sở hữu toàn bộ đài phát thanh của Moscow đã bị cháy. Hai người Pháp, một người Anh và một nhà báo Mỹ đã thiệt mạng do đạn bắn tỉa trong cuộc biểu tình. Báo chí và truyền hình tin tức được kiểm duyệt bắt đầu từ ngày 04 tháng 10, và vào giữa tháng mười, kiểm duyệt bắt đầu được thay thế bằng các biện pháp trừng phạt.

Đánh chiếm Nhà Trắng Nga

Từ mùng 2 tới mùng 4, quan điểm của quân đội là yếu tố quyết định. Quân đội đã có thái độ lập lờ trong nhiều giờ về việc phản ứng thế nào trước kêu gọi hành động của Yeltsin. Tới khi đó hàng chục người đã chết và hàng trăm người khác bị thương.

Rutskoy, với tư cách cựu tướng lĩnh, kêu gọi một số đồng đội cũ. Sau mọi việc, nhiều sĩ quan và đặc biệt là các binh lính ở mọi cấp ít có thiện cảm với Yeltsin. Nhưng những người ủng hộ nghị viện không gửi bất kỳ một phái viên nào tới các doanh trại để tuyển mộ các binh lính thấp cấp, mắc một sai lần nghiêm trọng khi chỉ tìm cách thảo luận với các tướng lĩnh cao cấp những người đã có quan hệ thân cận với các lãnh đạo nghị viện. Cuối cùng, đại đa số tướng lĩnh không muốn thử vận may với một chế độ Rutskoy-Khasbulatov. Một số tướng lĩnh đã phát biểu ý định ủng hộ nghị viện, nhưng ở thời điểm cuối cùng đã quay sang ủng hộ Yeltsin.

Kế hoạch hành động thực tế được đại uý Gennady Zakharov đệ trình. Mười xe tăng bắn vào các tầng trên của Nhà Trắng, với mục đích giảm thiểu thương vong nhưng tạo ra sự rối loạn và sợ hãi bên trong những người cố thủ. Sau đó, các lực lượng đặc biệt từ các đơn vị VympelAlpha sẽ tiến chiếm toà nhà[24]. Theo vệ sĩ của Yeltsin là Alexander Korzhakov, việc bắn vào các tầng trên cũng là cần thiết để xua đuổi các tay súng bắn tỉa.

Tới rạng sáng ngày 4 tháng 10, quân đội Nga đã bao vây toà nhà nghị viện, và vài giờ sau xe tăng quân đội bắt đầu bắn vào Nhà Trắng. Lúc 8:00 giờ sáng giờ Moscow, tuyên bố của Yeltsin được cơ quan báo chí của ông phát đi. Yeltsin tuyên bố:

Những người chống lại thành phố hoà bình và thuê mướn những kẻ giết người đẫm máu, là tội phạm. Nhưng đây không phải là tội ác của các băng nhómtổ chức cá nhân. Mọi thứ đã diễn ra và đang diễn ra ở Moscow là một cuộc nổi loạn vũ trang đã được lập kế hoạch từ trước. Nó đã được những kẻ theo chính sách phục thù Cộng sản, các lãnh đạo Phát xít, một phần của các đại biểu cũ, các đại diện của các Soviet lập kế hoạch.
Dưới vỏ bọc của các cuộc đàm phán họ đã tụ tập lực lượng, tuyển mộ các băng nhóm binh sĩ vụ lợi, những kẻ đã quen với giết người và bạo lực. Một băng nhóm đê tiện của những chính trị gia tìm cách dùng vũ lực để áp đặt ý chí của họ lên toàn bộ quốc gia. Các phương tiện mà họ muốn điều khiển nước Nga đã được thể hiện trước toàn thế giới. Chúng là sự nói dối bất cần đạo lý, và sự mua chuộc. Chúng là những viên sỏi, thanh sắt, vũ khí tự động và súng máy.
Những người, đang vẫy những lá cờ đỏ, một lần nữa nhuộm nước Nga trong máu. Họ hy vọng về điều không thể xảy ra, rằng hành động vô liêm sỉ và tàn bạo chưa từng có của mình sẽ gây ra sự sợ hãi và hoang mang.

Yeltsin cũng đảm bảo với những người nghe rằng:

Cuộc nổi loạn vũ trang Phát xít-Cộng sản tại Moscow sẽ bị đàn áp trong một thời gian ngắn nhất. Nhà nước Nga có các lực lượng cần thiết cho việc này

[25].

Tới trưa, quân đội đã vào trong Nhà Trắng và chiếm giữ nó, từng tầng một. Những hành động thù địch đã ngừng lại nhiều lần để cho phép một số người trong Nhà Trắng thoát ra. Tới giữa trưa, cuộc kháng cự của dân chúng trên các đường phố đã hoàn toàn bị đàn áp, chỉ thỉnh thoảng còn những phát đạn bắn tỉa. Rutskoy đã tuyệt vọng kêu gọi các phi công Nga ném bom điện Kremlin trên đài phát thanh Moskva nhưng không có hồi âm.

Việc đàn áp "Cách mạng tháng 10 thứ hai," mà, như được tường thuật, là sự kiện đánh nhau trên đường phố có Moscow số thương vong lớn nhất từ năm 1917, với hàng trăm người thiệt mạng. Ngày 8 tháng 10, cảnh sát nói rằng 187 người đã chết trong cuộc xung đột và 437 người bị thương. Những nguồn không chính thức đưa ra con số lớn hơn: lên tới 2,000 người chết.

Yeltsin chỉ được quân đội miễn cưỡng ủng hộ, và vào giờ thứ mười một. Các đơn vị đàn áp hy vọng nhiều nhất và họ chờ đợi Yeltsin sẽ tặng thưởng cho mình trong tương lai. Một ví dụ điển hình là tướng Pavel Grachev, người đã bày tỏ lòng trung thành của mình trong cuộc khủng hoảng này. Grachev đã trở thành một nhân vật chính trị chủ chốt, dù đã nhiều năm liên quan tới các cáo buộc tham nhũng bên trong quân đội Nga.[26]

Cuộc khủng hoảng là một ví dụ tiêu biểu về các vấn đề cân bằng hành pháp-lập pháp trong hệ thống tổng thống Nga, và, hơn nữa, khả năng về sự xung đột của một nhân vật zero-sum và sự thiếu vắng các cơ cấu có thể giải quyết điều đó.[27] Cuối cùng, đó là một trận đánh cạnh tranh tính pháp lý của hành pháp và lập pháp, và chỉ bên nào tập trung được sự ủng hộ của các điều kiện đàn áp bên đó mới chiến thắng.[28]

Ý kiến công chúng về cuộc khủng hoảng

Viện nghiên cứu ý kiến công chúng Nga VCIOM (VTsIOM) đã tiến hành một cuộc điều tra ngay sau cuộc khủng hoảng tháng 10 năm 1993 và thấy rằng 51% số người được hỏi coi hành động sử dụng vũ lực của Yeltsin là chính đáng và 30% cho nó là không chính đáng. Sự ủng hộ cho những hành động của Yeltsin đã giảm xuống trong những năm sau này. Khi VCIOM-A hỏi cùng câu hỏi năm 2003, chỉ 20% đồng ý với việc sử dụng vũ lực, 57% phản đối.

Khi được hỏi về nguyên nhân chính của các sự kiện ngày 3-4 tháng 10, 46% trong cuộc điều tra năm 1993 của VCIOM buộc tội Rutskoy và Khasbullatov. Tuy nhiên, 10 năm sau cuộc khủng hoảng, đa số coi thủ phạm là di sản của Mikhail Gorbachev với 31%, tiếp theo là bởi các chính sách của Yeltsin với 29%.

Năm 1993, đa số người Nga coi các sự kiện từ 21 tháng 9 đến mùng 4 tháng 10 là một nỗ lực khôi phục của những người Cộng sản hay như một kết quả của sự tìm kiếm quyền lực cá nhân của Rutskoy và Khasbulatov. Mười năm sau, mọi người thường coi nguyên nhân các sự kiện là việc chính phủ Yeltsin áp dụng chương trình tư nhân hoá, khiến hầu hết tài sản quốc gia rơi vào tay một số nhỏ các ông trùm (sau này được gọi là "oligarchs"), và Nghị viện cũ hay Xô viết Tối cao là trở lực chính của việc đó.

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khủng hoảng Hiến pháp Nga 1993 http://books.google.com/books?id=1YEBhxioiRYC&pg=P... http://books.google.com/books?id=2k9iI91GVt4C&pg=P... http://books.google.com/books?id=aCNQ4oWKAPsC&pg=P... http://books.google.com/books?id=oanB4q0o2vsC&pg=P... http://www.nytimes.com/2008/10/12/weekinreview/12b... http://media.washingtonpost.com/wp-srv/inatl/longt... http://www.youtube.com/watch?v=MnQISbfZPZM&feature... http://www.rusnet.nl/encyclo/g/grachev.shtml http://www.heritage.org/Research/RussiaandEurasia/... http://www.imf.org/external/np/vc/2002/082602.htm